Chấm dứt Đàng_Ngoài

Tận dụng biến cố từ phong trào Tây Sơn ở Đàng Trong, họ Trịnh mở bờ cõi Bắc Hà tới Thuận Hóa năm 1775. Sau khi đánh bại được quân Tây Sơn tại trận Cẩm Sa (Quảng Nam) rồi thu hàng Tây Sơn, nhận Tây Sơn làm tiên phong đi đánh chúa Nguyễn, chúa Trịnh lo hưởng lạc không chú trọng việc phòng bị. Ngay cả khi Nguyễn Nhạc giết được hai chúa Nguyễn rồi tự xưng làm vua Thái Đức (1778), họ Trịnh vì Quảng Nam xa xôi hiểm trở và ngại dùng binh nên không hỏi đến[10].

Sau khi Trịnh Sâm qua đời (1782), hai con là Trịnh TôngTrịnh Cán tranh giành quyền lực. Cuối cùng Trịnh Tông giết phụ chính Hoàng Đình Bảo, lật đổ Trịnh Cán giành ngôi. Thủ hạ của Đình Bảo là Nguyễn Hữu Chỉnh vào nam đầu hàng Tây Sơn. Chính quyền Trịnh Tông không ổn định được Bắc Hà, ngày càng suy yếu.

Năm 1786, sau khi đánh bật chúa Nguyễn Ánh ra khỏi Đại Việt, Tây Sơn tiến ra bắc đánh Trịnh với danh nghĩa "phù Lê diệt Trịnh" theo đề nghị của Nguyễn Hữu Chỉnh. Quân Trịnh lâu ngày không chiến đấu, chủ tướng trấn thủ Phú Xuân là Phạm Ngô Cầu không chú trọng việc binh nên thành Phú Xuân nhanh chóng thất thủ[10].

Sang tháng 7 năm 1786, quân Tây Sơn do Nguyễn Huệ chỉ huy tiến ra bắc. Quân Trịnh rệu rã liên tiếp thất bại. Trịnh Tông chạy trốn khỏi kinh thành, bị bắt đã tự sát trên đường bị áp giải[10].

Họ Trịnh bị tiêu diệt, chính thể Đàng Ngoài chấm dứt tồn tại. Khi Tây Sơn rút về nam trả lại chính thể cho vua Lê, lực lượng họ Trịnh còn cố gắng tái lập nhưng không thành công. Chính thể của vua Lê sau đó mâu thuẫn với Tây Sơn, cầu viện nhà Thanh sang giúp nhưng thất bạinhà Hậu Lê chấm dứt tồn tại năm 1789.